Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bí quyết học tiếng Anh với công cụ miễn phí

Đây là phương pháp học tiếng Anh đơn giản mình tự đúc kết và sử dụng cho bản thân. Hy vọng giúp ích được cho các bạn.

Trên quan điểm của mình, học tiếng Anh bao gồm 2 kênh chính: Input (Thu thông tin - nghe, đọc - listening, reading), và Output (xuất thông tin - nói, viết - speaking, writing), và 1 kênh vô hình (Thinking - tư duy).
Input: đây là kênh cần rèn luyện đầu tiên, vì bạn phải có dữ liệu mới bắt đầu sử dụng ngôn ngữ được.
Output: đây là kênh khó hơn nhưng rất quan trọng vì nó kích thích mạnh quá trình tư duy (Thinking) - để nói được cần phải suy nghĩ chứ.

Vậy nếu xét theo cấp độ ưu tiên rèn luyện từ cơ bản đến nâng cao thì ưu tiên theo trình tự này:
1.Reading: đây là điều dễ dàng nhất, vì bạn có thể điều chỉnh tốc độ, ngừng nghỉ, tra cứu chủ động.
2.Writing: đây là hoạt động xuất thông tin cơ bản, bạn có thể điều chỉnh tốc độ, tham khảo tư liệu và gửi thông tin đi khi thấy đã vừa ý.
3.Listening, Speaking: đây là hoạt động khó hơn và thường được bắt đầu sau, vì nó có tính tương tác cao, yêu cầu khả năng tư duy tốt. Tất nhiên cũng nên lồng 1 số thời gian nhỏ cho các hoạt động này ở thời gian đầu, nhưng không nên dành thời gian quá nhiều cho nó, trừ khi bạn có điều kiện học tập với người bản xứ suốt một thời gian dài.

1.Đầu tiên về phần Reading:
Cách rèn luyện hiệu quả nhất là đọc thật nhiều:
Có 2 lĩnh vực chủ để chính mà bạn cần quan tâm: giao tiếp, sự vật tiếp xúc hằng ngày (làm quen người lạ, giao tiếp nơi công cộng: nhà hàng, bãi biền, các loại trái cây, dụng cụ trong nhà...) và những chủ đề mà bạn thích (công nghệ, game, bếp núc, handmade).
Trong quá trình đọc sử dụng các công cụ giúp bạn tra từ ngay tại chỗ (click - translate). 2 công cụ đắc lực nhất hiện nay là từ điển Lingoes, và công cụ dịch tích hợp của trình duyệt Coccoc (có thể dùng chrome nhưng tốc độ dịch tiếng Việt của nó chậm hơn Coccoc nhiều).
http://sinhvienit.net/forum/lingoes-2-9-1-tu-dien-mien-phi-tot-nhat-hien-nay.261394.html
https://coccoc.com/
Nếu thấy tốc độ ban đầu chậm, cũng đừng lo, càng đọc sẽ càng nhanh. Và sau một thời gian, bạn sẽ có một lượng từ vựng đáng nể.
2. Phần Writing: 
Để củng cố thông tin vừa thu thập thì bạn cần luyện tập xuất thông tin ra.
Bạn có thể đọc những bài viết về chủ đề đó hoặc thử thách bản thân bằng cách sử dụng từ vựng vừa học.
Mỗi lần học hãy đề nghị mình viết 1 bài viết ngắn (song ngữ), dạng hội thoại hoặc dạng viết luận: khoảng nửa trang giấy A4, và lưu lại.
Bài tập viết sẽ tạo cho bạn một thói quen trình bày câu chuyện thống nhất, có sự lý luận, điều mà các bài tập nói không đem lại được.
3. Phần Listening:
Phần khó nhất của listening là tốc độ của nó. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghe những bài đọc chậm trên internet. Nhưng nếu bạn thấy nhàm chán với chủ đề của nó, bạn có thể nghe những chủ đề mà bạn thích. Vấn đề ở đây vẫn là tốc độ.
Phần mềm Windows media player có một chức năng rất hay mà ít người sử dụng, đó là chức năng playspeedsetting, bạn có thể download những video tiếng Anh về và cho chạy với tốc độ chậm, có thể là 0,7 rồi tăng dần đến 1,0 hoặc có thể tua nhanh hơn nếu trình độ lên. Youtube cũng có chức năng này nhưng chỉ có mốc 0.5, quá chậm. Mình đã thử nhiều phần mềm nhưng WMP là phần mềm giữ được chất lượng âm thanh tốt nhất.

4. Cuối cùng là phần Speaking:
Speaking cũng có 2 loại: đối đáp và lý luận vấn đề. Đối với thể loại đối đáp, bạn có thể sử dụng những mẫu hội thoại đã viết hoặc sưu tầm, qua đó chuẩn lại văn phong giao tiếp luôn. Còn với thể loại lý luận, từ những bài văn bạn đã viết, đọc thành tiếng và ghi âm lại (có thể sử dụng công cụ voice recorder của window),  cố gắng đọc càng chuẩn xác càng tốt (Bạn cần học về phần phiên âm quốc tế để tiện cho việc tra cứu), sau đó nghe lại, điều chỉnh những lỗi sai và những đoạn bạn cảm thấy nghe không hay.
Nếu có những người bạn tốt giỏi English thì hãy mạnh dạn đề nghị họ ngồi nghe phần nói của bạn, nhờ họ góp ý cho.

Tóm lại, nếu bạn kiên trì theo lộ trình trên, dành thời gian cho nó thì kết quả của bạn đạt được sẽ rất tuyệt vời. Thời gian bắt đầu một thói quen mới luôn là thời gian khó khăn.
Chúc các bạn thành công.

Đà Nẵng - Miền đất hứa của Tiếng Anh

Ngày nay, Đà Nẵng - thành phố biển xinh đẹp - là địa điểm du lịch ưa thích của du khách quốc tế. Với chính sách thu hút đầu tư thoải mái và sự chuyên nghiệp trong việc tổ chức sự kiện cộng đồng, Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh về mặt hạ tầng cũng như nền kinh tế.
Một đề xuất hoàn toàn khả thi, là biến Đà Nẵng thành vùng đất của Tiếng Anh tại Việt Nam, từ đó lan rộng ra cả nước. Dự án này nếu thành công sẽ giúp Đà Nẵng hội nhập toàn cầu và phát triển vượt bậc

Đà Nẵng - miền đất hứa của Tiếng Anh.
Đà Nẵng hiện là trung tâm văn hóa giáo dục lớn nhất của khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thành: Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị,.. việc xã hội hóa Tiếng Anh sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Đà Nẵng.
Đặc biệt là trong lĩnh vực thuê làm quốc tế - outsourcing - Đà Nẵng hiện đang là nơi làm việc của rất nhiều Startup thiết kế và công nghệ, chuyên thực hiện sản phẩm chất lượng cao cho nhu cầu quốc tế. Việc biến Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ toàn cầu, giống như Ấn Độ hay Philipine, hoàn toàn khả thi. Nếu có thể xã hội hóa tiếng Anh ở Đà Nẵng, vấn đề việc làm sẽ được giải quyết triệt để, không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cho các khu vực lân cận: Huế, Hội An, Tam Kỳ...
Nếu Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ rộng rãi ở Đà Nẵng, khách quốc tế sẽ không ngần ngại đến một nơi mà họ sẽ được tư vấn, hỗ trợ dễ dàng, những nhà đầu tư sẽ không ngần ngại mở một chi nhánh tại nơi mà họ có thể làm việc dễ dàng với khách hàng, cộng đồng cũng như nhân viên của mình
Lý tưởng là như thế, nhưng làm sao để biến tương lai đẹp đẽ ấy thành sự thực?
Chúng ta cần có một sự quyết tâm và đồng lòng cao độ từ chính quyền đến tất cả người dân: chủ doanh nghiệp, lao động, sinh viên, học sinh,...
Cần chính quyền hỗ trợ
Về phía chính quyền, hỗ trợ cần nhất là về mặt chính sách và kinh phí. Các biển báo, biển chỉ dẫn, thông báo, banner khẩu hiệu ở Đà Nẵng có thể được thay thế hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo phát triển giáo dục tiếng Anh.Và đương nhiên, không thể thiếu việc tuyên truyền, khuyến khích người dân và các doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc xã hội hóa tiếng Anh.

Cần mở rộng tối đa cộng đồng học Tiếng Anh.
Chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng là yếu tố quan trọng. Hiện nay ở Đà Nẵng đang có sự phát triển mạnh các trung tâm tiếng Anh từ lớn đến nhỏ, nhưng nó cũng có điểm hạn chế về chất lượng giáo viên ở các trung tâm nhỏ, và ngay cả các trung tâm lớn, do hạn chế về mặt đầu tư của các chủ trung tâm. Thay vào đó, cần có sự liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các trung tâm để tận dụng tối đa về mặt tài nguyên, mở rộng cộng đồng, chia sẻ học thuật hơn là cạnh tranh về số lượng học viên.

Đưa tiếng Anh vào sâu trong quá trình làm việc, học tập.
Các doanh nghiệp, từ lớn đến nhỏ, cần có môi trường trao đổi Tiếng Anh ngay trong công ty, có thể là một câu lạc bộ trao đổi Tiếng Anh vào buổi tối dành cho người đi làm, giao lưu với các công ty quốc tế, giao lưu với các chuyên gia nước ngoài... hơn là phó mặc cho mỗi cá nhân tự trau dồi tiếng Anh của mình.
Các doanh nghiệp cần tạo nhiều "khoảng thở " trong thời gian làm việc của nhân viên và hướng thời gian đó cho việc trau dồi giao tiếp tiếng Anh.

Cần sự đóng góp từ các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp cần chú ý hơn đến việc phát triển cộng đồng, tích cực đóng góp vào quỹ phát triển tri thức, phát triển tiếng Anh do chính quyền phát động. Vì các doanh nghiệp, từ du lịch, công nghệ đến kinh doanh , đều sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển kinh tế, được mang lại do công cuộc xã hội hóa Tiếng Anh.

Cần sự nhiệt huyết từ cộng đồng học sinh sinh viên
Đây là nguồn nhân lực và động lực thúc đẩy chủ yếu trong tương lai. Các bạn sinh viên cần tích cực học hỏi tiếng Anh ngay từ trong trường, tham khảo thêm nhiều tài liệu quốc tế thay vì chỉ tham khảo những giáo trình tiếng Việt có sẵn. Cá nhân hoặc tập thể có thể đứng ra phát triển thêm các cộng đồng tiếng Anh, tạo thêm môi trường đa dạng cho các bạn khác tham gia, trao đổi kiến thức. Hơn thế nữa, các bạn có thể tham gia vào các diễn đàn quốc tế, tích cực hoạt động và quảng bá hình ảnh của quê hương đến bạn bè quốc tế. Nếu có điều kiện, các bạn có thể tổ chức nhiều cuộc du lịch ra các nước khác để xem họ phát triển như thế nào.

Đã có nhiều nơi trên thế giới phát triển thành công việc xã hội hóa Tiếng Anh
Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự khuyến khích của chính quyền, cần có một tổ chức được thành lập nhằm vận động và tổ chức các sự kiện, bao gồm những thành viên có uy tín trong cộng đồng: trưởng hội sinh viên, giám đốc doanh nghiệp, đoàn viên, đảng viên ưu tú...
Chúng ta có thể tham khảo nhiều mô hình tiếng Anh thành công trên thế giới. Điển hình là Singapore, họ dạy tiếng Anh cho người dân Singapore và định hướng là phải kiếm tiền từ dịch vụ quốc tế, không phải là người Singapore kiếm tiền của nhau.

Ở Philipine tiếng Anh trở thành một phần của cuộc sống, xuất hiện ở tất cả mọi nơi, từ nhà ra đến đường phố. Ngoài ra, ở đây có những resort dạy tiếng Anh, mỗi kì học là một chuyến nghỉ dưỡng, giao lưu của bạn bè đến từ khắp mọi miền thế giới.
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/hoc-tieng-anh-tot-nhu-nguoi-philippines-3235081.html
http://hoctienganhnhanh.vn/philippines-thu-hut-nguoi-hoc-tieng-anh-vi-chi-phi-hop-li/
Ở Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc những nơi chỉ mắt bắt đầu xã hội hóa tiếng Anh, có những địa phương, những "làng Tiếng Anh " được lập ra. Từ vị trí nói tiếng Anh tệ nhất châu Á, họ đã vươn lên đứng vào top 5 chỉ trong thời gian ngắn.
http://dantri.com.vn/tin-tuyen-sinh/hoc-tap-cach-hoc-tieng-anh-cua-nguoi-nhat-ban-han-quoc-1435127732.htm
Và khi Tiếng Anh phát triển, các quốc gia này lại trở thành trung tâm dịch vụ của thế giới, thu hút nhân lực từ khắp nơi đổ về, đó là một hệ quả tất yếu.
Xã hội hóa tiếng Anh là một công việc quan trọng, cần phải thực hiện ngay
Ngoài việc thuần thục ngôn ngữ mẹ đẻ, có một ngôn ngữ chung với phần còn lại của thế giới là điều rất quan trọng, nó quyết định sự thành công của Việt Nam trên con đường hội nhập.

Ngay từ hiện tại, tất cả mọi người, chủ doanh nghiệp, cán bộ nhà nước, lao động, sinh viên học sinh, nếu cảm thấy có thể làm được gì đó để bắt đầu công cuộc xã hội hóa Tiếng Anh, thì xin hãy cứ mạnh dạn làm. Sự thành công của dự án phụ thuộc vào mỗi người trong số chúng ta.




Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Trong thiết kế, có thứ còn quan trọng hơn thẩm mỹ

Tuổi thơ của rất nhiều người trong số chúng ta lớn lên cùng với bộ phim "5 anh em siêu nhân". Trẻ em xem nó, sống với nó, và muốn trở thành siêu nhân , ngay cả người lớn cũng xem và thích thú.
Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc "Tại sao nó lại được yêu thích như vậy?".

Nó không có gì cả. Kịch bản thì lặp đi lặp lại, kĩ xảo không lấy gì làm tiên tiến, diễn viên cũng không nổi tiếng.
Có một điểm đặc biệt, đó chính là tinh thần của bộ phim.
Tinh thần đồng đội, vì chính nghĩa, vì hòa bình, không chịu đầu hàng dù hoàn cảnh có khó khăn đến mức nào. Những điều này được lặp đi lặp lại để truyền đạt thông điệp của nó đến người xem.
Có bao giờ bạn thắc mắc: Tại sao lại có những thương hiệu toàn cầu như "Người Nhật", "Người Mỹ", "Người Do Thái", "Người Ả Rập", "Người Đức".. với tất cả các phẩm chất tốt nhất, mặc dù ở những quốc gia này vẫn có những cá nhân tệ hại.
Đó là do thông điệp trong những sản phẩm của họ lan truyền đến thế giới.
Surfacebook - một sản phẩm tuyệt vời của Microsoft, lay động thế giới bởi tinh thần của nó. Nó không phải là sản phẩm đẹp nhất, mạnh nhất, nhưng những câu chuyện về quá trình thiết kế của nó: trăn trở về bản lề, về từng chi tiết trên sản phẩm,... đã truyền tải đến cả thế giới một ý niệm: chúng tôi muốn đem đến sản phẩm hoàn hảo nhất, tiện dụng nhất, với tất cả sự sáng tạo của mình.

Mercedes, BMW là những hãng xe hàng đầu thế giới. Xe của họ không phải chiếc nhanh nhất, không phải bằng vật liệu xịn nhất, nhưng bạn phải trầm trồ trước chất lượng của chúng: khó tính đến từng đường nét, mọi chức năng đều góp phần chiều chuộng người sử dụng đến chân tơ kẽ tóc, truyền tải đến thế giới một thông điệp: chúng tôi muốn đưa đến thế giới chiếc xe tốt nhất, hoàn hảo nhất, phù hợp với bạn nhất.



Võ Trọng Nghĩa là kiến trúc sư nổi tiếng của Việt Nam. Sản phẩm của ông không đẹp, có thể không phù hợp người sử dụng, nhưng táo bạo và rất sáng tạo, phá tan những ràng buộc về thiết kế đã tồn tại trước thời của ông, mở ra một thời kì sáng tạo mới cho kiến trúc Việt Nam.

Đến đây tôi muốn chia sẻ 1 video quảng cáo của Sân bay quốc tế tại Ả Rập:
Bạn cảm thấy gì? Một sản phẩm đồ họa hoàn hảo, một công trình kiến trúc đẹp, một sản phẩm được đầu tư công phu đến từ chi tiết, 
Nhưng, còn có thứ gì đó hơn thế nữa.
Nếu một người Ả Rập xem video này, họ sẽ thấy rõ nhất:
Mở đầu là cảnh sa mạc, con người đi đến đâu công trình mọc đến đấy. Nó đúng với hoàn cảnh của Ả Rập, khởi đầu từ sa mạc. 
Khi đi chỉ có một người, nhưng khi trở về nhân vật lại là một gia đình và lại là gia đình đa quốc gia: đây sẽ là nơi khởi đầu chuyến đi chinh phục thế giới của tất cả, nhưng luôn là nơi đón chào tất cả mọi người quay về. 
Âm nhạc kết hợp cả chất truyền thống của Ả Rập lẫn hiện đại, đặc biệt lại truyền tải một thông điệp: Chúng ta sẽ là hình mẫu cho cả thế giới.
Video này đã làm được nhiều hơn yêu cầu của một video quảng cảo: hoàn hảo, nhưng hơn thế nữa, nó truyền tải tinh thần dân tộc của Ả Rập đến cả thế giới.
Cuối cùng, xin kể về một trải nghiệm đáng nhớ của tôi, không phải từ một công trình lớn, mà là một phòng ngủ nhỏ. Nó không đẹp hơn những phòng ngủ khác, nhưng mỗi chi tiết, góc cạnh, vị trí vật dụng, tôi đều trăn trở làm sao cho phù hợp với người sử dụng, làm sao để cho họ trút bỏ hết mệt mỏi khi vào trong đó. Khách hàng đón nhận nó và nói "Cám ơn em". Tôi biết họ đã cảm nhận được tinh thần của mình.
Sản phẩm Việt Nam đối với thế giới còn thiếu tinh thần của nó.
Chất lượng, giá thành, số lượng không phải là vấn đề.
Bạn muốn tạo ra một sản phẩm? Vậy tinh thần của bạn là gì? Bạn muốn truyền tải thông điệp gì tới người nhận, tới thế giới?
Một ngày nào đó, tôi hy vọng thương hiệu "Người Việt Nam" sẽ được nhắc đến như người ta nhắc đến "Người Nhật", "Người Mỹ" hay Người Đức "..

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

6 bí quyết đơn giản không ngờ để chinh phục căng thẳng

Trong công việc thiết kế, căng thẳng thường xuyên diễn ra: làm việc cho kịp deadline, phản hồi không tốt từ khách hàng, vay vốn kinh doanh... Dường như lúc nào cũng có cớ để căng thẳng.
Tìm hiểu thêm sách vở, đặc biệt là quyển "Phương pháp đối mặt căng thẳng của người thành công" của TS Sharon Melnick, giờ tôi đã có thể bỏ qua các căng thẳng nhỏ để tập trung đối mặt với những vấn đề ngày càng lớn hơn.

Xin giới thiệu một số biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
1.
Khoa học chứng minh, căng thẳng diễn ra do hệ thần kinh giao cảm tiết hoocmon gây căng thẳng quá đà, điều này diễn ra khi bạn gặp nguy hiểm (thấy gấu, gặp cướp, ...) và diễn ra hoàn toàn tự động. 

Biện pháp đặt ra là bạn hãy bắt đầu điều khiển những cơ chế sinh lý tự động của bản thân, mà đơn giản nhất ở đây là hơi thở. 
Hãy tắt chế độ thở tự động trong 3 phút, hít vào 5 giây, ngừng 5 giây, thở ra 5 giây liên tục trong thời gian này.
Qua hơi thở, bạn sẽ không chế được các cơ chế sinh lý tự động khác: nhịp tim, hoocmon, ngay cả ham muốn duy trì nòi giống,..

Bằng cách này, tôi đã có thể khống chế cảm xúc của bản thân trước khi phản hồi bất cứ điều gì.
2.
Nguyên nhân căng thằng tiếp theo là do bạn thấy mọi việc vượt quá tầm kiểm soát của mình.
Lí do là bạn muốn kiểm soát quá nhiều thứ. Trong khi thực ra: luôn có 50% bạn có thể chủ động điều khiển, còn 50% còn lại nằm ở phía người khác, hoặc do thời tiết, hoặc do sự cố bất ngờ.
Thật chẳng hay chút nào nếu cứ lo ngày mai trời mưa đến phát ốm chứ nhỉ ?
Hoặc nổi giận vì thầy cô chấm điểm sai, cũng chả có ích lợi gì.
Xác định rõ và chỉ cần làm tốt những gì bạn có thể kiểm soát, vậy sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Bằng cách này, tôi đã bình tĩnh hơn trước những sai lầm của cộng sự, và tập trung vào phần việc của mình.

3.
Xác định các yếu tố quan trọng của việc bạn đang làm và tập trung tâm huyết vào điểm đó: bạn làm dự án này để kịp thời gian, bạn làm dự án này vì tiền, bạn làm dự án này vì quan hệ khách hàng.
Không lăn tăn nhiều, cầu toàn cũng phải tùy trường hợp.
4.
Bạn cần phải phân định rõ chế độ làm việc và chế độ nghỉ ngơi: góc nghỉ ngơi riêng biệt và trang trí khác góc làm việc, áo quần mặc lúc làm việc khác áo quần mặc lúc nghỉ ngơi, bản nhạc bạn nghe lúc nghỉ ngơi khác với bản nhạc bạn nghe lúc làm việc. 
Cứ thử xem, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Xem thêm lập trình ngôn ngữ tư duy về phương pháp này nhé.

Tuy làm việc ở nhà nhưng tôi có 1 cái áo để mặc lúc làm việc và 1 cái áo để mặc lúc nghỉ ngơi. Điều này có ích cho việc nghỉ ngơi sâu và làm việc hiệu quả hơn.

5.
Làm thế nào để làm việc hiệu quả trong thời gian dài?
Bạn có biết đến phương pháp chạy nước rút/ phục hồi của các vận động viên điền kinh không?
Làm việc tập trung hết tốc lực trong 90 phút, sau đó nghỉ ngơi trong 15 phút: bằng các hoạt động phục hồi (thể dục, yoga, thiền), hoặc thư giãn (nghe nhạc, uống trà, vẽ tranh,...).
Và nhớ là tách biệt các hoạt động ra các không gian khác nhau nhé.

6. 
Nếu bạn thấy quá tải thì đừng bao giờ ngại tìm sự giúp đỡ. Cứ thử đặt niềm tin ở người khác và niềm tin đó sẽ chẳng bao giờ phản bội bạn.


Chúc các bạn nhanh chóng biến mụ phù thủy căng thẳng xấu xí thành bà tiên xinh đẹp, dễ chịu nhé.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

6 bước tuyệt vời để tập trung làm việc



Tập trung rất quan trọng trong bất kì lĩnh vực nào: kĩ thuật, học tập, nghiên cứu, làm việc, chơi thể thao.Nếu bạn tập trung đúng cách, hiệu suất làm việc sẽ tăng gấp 4,5 lần bình thường.
Bài viết dưới đây cung cấp những điều quan trọng nhất trong việc tập trung.

Thứ nhất: cần xác định việc chính bạn sẽ làm, và trong thời gian quy định, cam kết không lân la sang các công việc khác ngoài việc chính.

Thứ 2: xác định khoảng thời gian tập trung làm việc.
Bạn thường nghe : "15 phút mỗi ngày tập đàn" "10 phút học anh văn mỗi ngày", "5 ph thể dục mỗi ngày ", "làm việc này trong 30ph rồi chuyển qua việc khác "....
Quên đi! Điều này sẽ làm giảm sự tập trung của bạn và thực sự thì bạn cũng chả đạt được kết quả gì trong thời gian đó... Các bình luận kể trên chỉ nhằm giật tít hay bán 1 sản phẩm nào đó mà thôi...

Khoảng thời gian hợp lý = thời gian bạn có thể làm việc cho đến khi không thể làm được nữa + thời gian co giãn.

Hãy quên đi cái mốc lí thuyết (10ph, 15ph, nửa tiếng) và tự lên lịch cho mình dựa trên khả năng của bản thân.
Khoảng thời gian co giãn là để giúp bạn nới rộng giới hạn làm việc của bản thân, và là khoảng thời gian giúp bạn kết thúc dễ dàng hơn (giống như đoàn tàu phải giảm tốc độ rất lâu trước khi vào ga).


Thứ 3: chuẩn bị không gian làm việc
Nhiều bạn thích để nhiều thứ trên bàn, sách báo, tạp chí , ảnh người yêu...
Thực tế thì càng ít thứ đồ trên trong tầm nhìn của bạn, bạn sẽ càng tập trung hơn, suy nghĩ của bạn sẽ không bị lệch hướng bởi những thứ ngoại lai.
Chỉ để lại những tài liệu trực tiếp làm việc như sổ ghi chép, tài liệu đọc ngay lúc đó.
Tip: bạn nên có góc làm việc riêng, góc thư giãn riêng, góc thư viện riêng là tốt nhất.
Thứ 4: Không sa đà vào những việc phụ trợ.
Ví dụ như bạn cần tìm tài liệu cho công việc thiết kế, thì hãy nhớ việc chính của bạn là  "thiết kế" chứ không phải "tìm tài liệu". Bạn hãy giới hạn thời gian cho việc phụ trợ và nhanh chóng trở lại công việc chính.

Thứ 5: Thời điểm bắt đầu và kết thúc là 2 thời điểm quan trọng nhất, quyết định duy trì hứng thú làm việc lâu dài của bạn.
Cần có những hoạt động khiến cho khởi đầu và kết thúc của bạn mạnh mẽ, ví dụ như hô to khẩu hiệu, hay chỉ cần đứng dậy "Oh yeah " thật khỏe là được.

Tips: chỉ bắt tay vào khi tinh thần hứng khởi. Cách để tạo ra hứng khởi mình sẽ giới thiệu trong các bài viết sau.

Thứ 6: Đừng quên rằng thực hiện xong quá trình tập trung là bạn đã đạt được 1 thành tựu. Vì vậy hãy đặt 1 phần thường cho mình nếu thực hiện trọn vẹn quá trình : xem bộ phim ưa thích, gọi điện cho bạn thân, lướt facebook, ra ngoài chụp ảnh.
Nhưng tất nhiên, phần thưởng phải tương ứng với thành tựu. Thành tựu nhỏ mà thường lớn thì chỉ thêm hư thân.


Chúc các bạn thành công trong việc tạo thói quen tập trung.

Bí quyết để đạt được sự cân bằng trong cuộc sống


Cụm từ "cân bằng cuộc sống " hiện đang rất hot, và cũng có rất nhiều bài báo, sách vở hướng dẫn về để tài này, thậm chí có nhiều khóa học chi phí cao hướng dẫn về cân bằng.
Nhưng thực ra :

KHÔNG AI CÓ THỂ DẠY BẠN VỀ SỰ CÂN BẰNG CỦA BẠN

Tôi xin chia sẻ một số ý kiến cá nhân về bản chất của sự cân bằng.

Tưởng tượng bạn là 1 cái bình chứa, sức chứa của cái bình chính là khả năng sống của bạn: làm việc, yêu đương, sáng tạo, học tập, thể thao, ...

Thường thì bạn sẽ không biết giới hạn của bạn nằm ở mức nào, 1 lít, 2 lít, hay 3 lít...
Nhưng sẽ có rất nhiều người bảo bạn "đổ 1 lít thôi", giống như trong cuộc sống sẽ có nhiều trường hợp "làm 1 tiếng thì nhất định phải nghỉ nửa tiếng", "mỗi ngày nên tập 15 ph thôi", và người ta bảo: "làm vậy thì sẽ cân bằng".
Thực ra, làm vậy là bạn đang giới hạn bản thân bạn.

 
Cách đi đúng phải là "Đổ đầy hết mức", "làm việc hết mình" "tập đến khi mệt" để xác định giới hạn hiện tại của bạn, trong quá trình đó hãy "theo dõi", "lắng nghe cơ thể bạn", "chạm tới giới hạn của bạn", và trên hết "bỏ qua những mức cân bằng sách vở".


Bài học số 1: Tự mình tìm ra mức cân bằng của bản thân

Từ đó cơ thể bạn, và trí óc thông minh của bạn sẽ lưu giữ mức cân bằng đó,  điều chỉnh mọi thứ cho phù hợp "tốc độ nước" "lưu lượng nước."

 Nhưng giới hạn của bạn không ngừng mở rộng, "trí tuệ", "sức khỏe", "công việc", "mối quan hệ" luôn luôn thay đổi. Vì vậy bạn cần không ngừng theo dõi và điều chỉnh lại mức cân bằng của mình.



Vì vậy, để đạt đến mức cân bằng mơ ước, hãy làm việc hết mình, bùng cháy , vượt qua giới hạn.
Bài học số 2: Mức cân bằng của bạn luôn mở rộng.

Chúc các bạn luôn thành công và có được sự viên mãn trong cuộc sống.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016